Ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu: Chú trọng xúc tiến thương mại
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Đây là lợi thế rất lớn trong việc xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhiều tiềm năng này. Nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện nay nhiều sản phẩm làng nghề Việt bị mai một hoặc không giữ được thương hiệu vốn có và bị đánh cắp thương hiệu...
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, những tồn tại yếu kém trong nhận thức, ý thức xây dựng thương hiệu; liên kết sản xuất, quảng bá thương hiệu gắn với xúc tiến thương mại, du lịch và bảo hộ sở hữu trí tuệ… đã khiến cho thủ công mỹ nghệ xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Trong năm 2017, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang bị sụt giảm đơn hàng mạnh ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… thì tại các nước mới nổi như Thái Lan, Philippines, Indonesia, lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng gần 15%. Đây đang là thách thức lớn đối với những nhà quản lý cũng như những DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Dù đã vào thời điểm cuối năm, nhưng theo phản ánh của các DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thì các đơn hàng cũng không có sự tăng đột biến. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2017 kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nhóm hàng mây, tre, cói và thảm đạt 25,3 triệu USD, nâng kim ngạch 11 tháng 2017 lên 242,9 triệu USD, tăng 2,64% so với 11 tháng năm 2016.
Trong số thị trường xuất khẩu sản phẩm mây tre cói của Việt Nam thì Mỹ là thị trường chủ lực, chiếm 20,1% tổng kim ngạch, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2016 thì kim ngạch giảm 13,44%. Thị trường lớn đứng thứ hai là Nhật Bản, tăng 23,05% đạt 47,9 triệu USD kế đến là Đức giảm 9,59% tương ứng với 25,6 triệu USD. Nhìn chung 11 tháng đầu 2017 kim ngạch xuất sang các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng chiếm 61,9% và thị trường với kim ngạch suy giảm chiếm 38%.
Có thể thấy ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam thời gian qua chưa tạo được sức cạnh tranh lớn so với một số nước như Trung Quốc và các nước trong khu vực. Nguyên nhân được chỉ ra đó là các DN ít đầu tư công nghệ vào sản xuất. Vài năm nay hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cũng giảm sức cạnh tranh vì mẫu mã thiếu sáng tạo.
Vì vậy việc cải thiện, đổi mới mẫu mã sản phẩm là yêu cầu cấp thiết hiện nay để tăng sức cạnh tranh cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại cũng cần được đẩy mạnh nhằm mở rộng và tìm kiếm thị trường, tăng cơ hội cho các DN Việt gặp gỡ đối tác nước ngoài…
Bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế bởi hàng loạt các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã và đang được ký kết thì việc xúc tiến thương mại sẽ giúp DN phát triển sản xuất kinh doanh bền vững và có nhiều điều kiện mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng.
Theo bà Vinh, thủ công mỹ nghệ là một lợi thế của Việt Nam vì nguyên liệu trong nước dồi dào, nguồn lao động lớn, giá nhân công rẻ, có truyền thống, kinh nghiệm nghề lâu năm. Song sẽ rất khó “ra biển lớn”, nếu không tham gia các hội chợ quốc tế để học hỏi, tìm thông tin và định hướng chiến lược cho sản xuất bền vững. Vì vậy, đây là một kênh quan trọng giúp DN định hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch đầu tư để phát triển.
Tuy nhiên, các DN sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là các DNNVV, thậm chí là cực nhỏ, vì vậy ngoài phần hỗ trợ kinh phí của nhà nước cho tiền thuê gian hàng, còn lại các chi phí khác như: ăn, ở, vận chuyển hàng, đi lại đều do DN phải tự túc, đây cũng là các khoản kinh phí lớn đối với các DN trong các làng nghề, vì vậy có rất nhiều DN không có đủ điều kiện tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại.
Theo bà Hà Thị Vinh, để ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tăng sức cạnh tranh với các nước rất cần sự thay đổi lớn, cải tiến thiết kế mẫu mã, đẩy mạnh công tác quảng bá và phát triển thương hiệu, tích cực xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu…
Bên cạnh đó, cần tạo được các “con chim đầu đàn” trong ngành có đủ tiềm lực quy mô sản xuất, nguồn lao động chất lượng cao, sản xuất các sản phẩm hợp chuẩn quốc tế để giúp các DN nhỏ, cực nhỏ trong các làng nghề cùng phát triển.
Nguồn: baomoi.com
Tag:
-
Online:2
-
Today:72
-
Past 24h:193
-
All:17268528