Rộng Đường Xuất Khẩu Hàng Thủ Công Mỹ Nghệ
Doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng làm từ lục bình, mây, tre, cói, thảm... sản xuất không xuể nhưng lợi nhuận còn khiêm tốn.
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), xuất khẩu nhóm hàng mây, tre, cói và thảm (gồm các mặt hàng chính như lục bình, tre đan, thảm, cói đan, mây đan...) trong năm 2019 sẽ vượt 400 triệu USD, có thể cán mốc 500 triệu USD.
Thu nhập khá
Từng được xem là "thứ bỏ đi" nhưng nhiều năm nay, lục bình đã góp phần cải thiện kinh tế cho người dân ĐBSCL.
Tại 2 huyện Cao Lãnh và Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), tận dụng thời gian nông nhàn, người dân tranh thủ cắt, đan lục bình kiếm thêm thu nhập. Lục bình sinh trưởng quanh năm nhưng công đoạn phơi chỉ thực hiện được trong mùa nắng nên nhiều người dành cả tháng trời đi cắt lục bình, dự trữ nguyên liệu cho cả năm. Lục bình khô giá 13.000 -14.000 đồng/kg, nhiều người chuyên nghề cắt lục bình, phơi khô bán cho các cơ sở làm thủ công mỹ nghệ cũng kiếm được "đồng ra đồng vô".
Mỗi ngày, bà Trần Thị Ngọc (ngụ huyện Cao Lãnh) ngâm mình dưới nước 8 giờ để vớt lục bình trên những con kênh gần nhà. Để phòng bệnh ngoài da và tránh bị lục bình làm hại da, bà Ngọc phải mặc quần áo mưa, mang bao tay và bịt kín mặt. "Lục bình ở đây dày đặc trên kênh, hàng ngàn người vớt cũng không xuể" - bà Ngọc nói.
Nghề đan lục bình xuất khẩu mang lại thu nhập khá cho người dân nông thôn tại Đồng
Tháp Ảnh: NGỌC TRINH
Rộng đường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ - Ảnh 1.Nghề đan lục bình xuất khẩu mang lại thu nhập khá cho người dân nông thôn tại Đồng Tháp Ảnh: NGỌC TRINH
Ngoài 5 công ruộng, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hòa (ngụ xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh) làm thêm nghề đan lục bình. "Lục bình mọc đầy kênh nước gần nhà, gia đình tôi vớt về phơi khô rồi đan, không tốn tiền mua nguyên liệu nên thu nhập khá. Kỹ thuật đan cũng đơn giản, mỗi ngày làm chăm chỉ có thể kiếm được 150.000-300.000 tiền công" - chị Hòa kể.
Mỗi năm, Công ty CP Artex Đồng Tháp xuất khẩu khoảng 6 triệu USD các sản phẩm từ lục bình như thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon... Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty, các sản phẩm chế biến từ lục bình được thị trường Nhật Bản, Mỹ, Đức, Úc... ưa chuộng do bền, đẹp và đặc biệt là thân thiện với môi trường.
Đơn hàng nhiều nhưng lợi nhuận thấp.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính tháng 5-2019, kim ngạch xuất khẩu mây, tre, cói, thảm đạt 45 triệu USD, tăng đến 49,6% so với cùng kỳ. Tính chung trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này ở mức 190 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ.
Báo cáo của Hawa cho thấy sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là sản phẩm mây, tre, cói, thảm, trong những tháng đầu năm do nhu cầu về nhóm hàng này đang nở rộ tại nhiều thị trường. Tại châu Âu, ngày càng nhiều người về hưu có thời gian chăm sóc, trang hoàng nhà cửa nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ để trang trí tăng cao, tỉ lệ người mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng cũng tăng.
"Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chiếm thị phần khá khiêm tốn nên tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu rất lớn. Ngoài những thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản... còn có nhiều thị trường mới nổi, tiềm năng như Ấn Độ, Thái Lan, Nga, Na Uy, Chile, Đài Loan" - đại diện Hawa nhận xét.
Mặc dù đơn hàng nhiều, tiềm năng lớn nhưng một số doanh nghiệp (DN) cho hay đơn giá xuất khẩu không tăng trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục nhích lên khiến lợi nhuận của DN teo tóp.
Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Mỹ nghệ gỗ Kim Bôi (tỉnh Bình Dương), nêu thực tế đa số các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam xuất khẩu là gia công cho nước ngoài. Đơn hàng dồi dào, thậm chí làm không xuể nhưng lợi nhuận ngày càng thấp vì chi phí đầu vào liên tục tăng lên.
"Năm ngoái, doanh thu của công ty chúng tôi tăng khoảng 15% nhưng lợi nhuận không tăng, thậm chí còn giảm. Chi phí nhân công, chi phí đầu vào như điện, xăng... đều tăng nhưng đơn giá xuất khẩu không tăng tương xứng. Các hợp đồng xuất khẩu thường ký từ 6 tháng đến 1 năm nên không dễ điều chỉnh, trong khi DN bị cạnh tranh từ các thị trường khác" - ông Đặng Quốc Hùng chia sẻ.
Chủ một cơ sở chuyên gia công hàng lục bình xuất khẩu ở Đồng Nai cho biết từ đầu năm đến nay, đơn hàng liên tục, làm không xuể và phải tăng cường đưa hàng về các tỉnh miền Tây để gia công nhưng thu nhập không tăng bao nhiêu do giá nguyên liệu lục bình từ 11.000 đồng/kg đã lên mức 16.000-17.000 đồng/kg, trong khi đơn giá xuất khẩu lại không tăng.
"Một số DN xuất khẩu còn chậm trả công nợ cho các cơ sở gia công cả tỉ đồng, trong khi chúng tôi không thể nợ lương, tiền công của công nhân, người dân đan hàng ở các tỉnh nên rất khó khăn" - chủ cơ sở này cho hay.
Tiềm năng và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có mặt hàng lục bình rất lớn nhưng doanh nghiệp cần ổn định chi phí để có lợi nhuận.
Nguồn: nld.com.vn
Tag:
-
Online:16
-
Today:185
-
Past 24h:302
-
All:17285082